Bảo hiểm y tế hộ gia đình ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều người bởi những quyền lợi khám chữa bệnh BHYT mà nó mang lại. Đây là cách tốt nhất để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và cả gia đình. Trong bài viết này eBH sẽ gửi đến bạn những thông tin cần thiết nhất về chế độ này.
Bảo hiểm y tế hộ gia đình là gì?
Bảo hiểm y tế hộ gia đình là chế độ bảo hiểm y tế hướng đến nhóm đối tượng chính là hộ gia đình. Trong đó:
Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng với các đối tượng theo Luật định để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện. – Theo khoản 1 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014.
Có thể bạn muốn xem thêm:
- Tra cứu bảo hiểm y tế bằng 3 cách thực hiện đơn giản
- Bảo hiểm y tế học sinh – Mức đóng, thời hạn, quy định hỗ trợ
- Bảo hiểm y tế tự nguyện – Quyền lợi, cách làm tham gia
Hộ gia đình là một tập hợp (nhóm người) cùng chung sống trên cơ sở những mối quan hệ đặc biệt tạo nên sự ràng buộc về mặt vật chất cũng như tinh thần giữa các thành viên, hiểu đơn giản là toàn bộ thành viên trong một gia đình có tên ghi trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.
Như vậy, định nghĩa:
Bảo hiểm y tế hộ gia đình là hình thức bảo hiểm y tế bắt buộc đối với tất cả các thành viên có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.
Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình
Căn cứ theo Khoản 5, Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014 quy định về đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình gồm có:
Toàn bộ những thành viên có tên trong sổ hộ khẩu của hộ gia đình, trừ những đối tượng thuộc diện tham gia Bảo hiểm y tế theo các nhóm khác và những người đã khai báo tạm vắng.
Toàn bộ những người có tên trong sổ tạm trú (trừ những người thuộc diện tham gia BHYT theo các nhóm khác).
Như vậy, những đối tượng là thành viên thuộc hộ gia đình đóng BHYT khi tham gia đóng BHYT theo nhóm khác sẽ không thuộc đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình. Các thành viên còn lại trong hộ gia đình vẫn có thể tham gia bình thường.
Mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình năm 2022
Theo các quy định của Pháp luật hiện hành, mức đóng BHYT hộ gia đình được tính dựa vào mức lương cơ sở. Cụ thể, theo Điểm e, Khoản 1, Điều 7 của Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng BHYT của các thành viên trong hộ gia đình như sau:
Mức đóng của người thứ nhất được tính bằng 4,5% mức lương cơ sở;
Mức đóng của người thứ hai bằng 70% mức đóng của người thứ nhất;
Mức đóng của người thứ ba bằng 60% mức đóng của người thứ nhất;
Mức đóng của người thứ tư bằng 50% mức đóng của người thứ nhất;
Mức đóng của người thứ 5 trở đi được tính bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Như vậy có thể thấy mức đóng BHYT hộ gia đình phụ thuộc vào mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Năm 2022, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng. Vậy nên, mức đóng cụ thể của người dân khi tham gia BHYT hộ gia đình năm 2022 sẽ là:
Người thứ nhất (thuộc hộ gia đình) đóng 67.050 đồng/tháng.
Người thứ hai (thuộc hộ gia đình) đóng 46.935 đồng/tháng.
Người thứ ba (thuộc hộ gia đình) đóng 40.230 đồng/tháng.
Người thứ 4 (thuộc hộ gia đình) đóng 33.525 đồng/tháng.
Người thứ 5 trở đi: 26.820 đồng/tháng.
Như vậy, Có thế thấy với hộ gia đình càng có nhiều thành viên thì mức đóng hàng tháng sẽ càng thấp.
Mức hưởng Bảo hiểm y tế hộ gia đình năm 2022
Mức hưởng BHYT hộ gia đình năm 2022 tuân theo nguyên tắc chung về hưởng BHYT theo Điều 14, Nghị định 146/2018/NĐ-CP:
Trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến
Có thể bạn quan tâm:
- Bảo hiểm sức khỏe và những quyền lợi cho người tham gia
- Bảo hiểm tai nạn là gì? Quyền lợi và nên mua BHTN ở đâu?
Người tham gia BHYT hộ gia đình nếu thực hiện khám, chữa bệnh đúng tuyến sẽ được hưởng:
100% chi phí khám, chữa bệnh nếu khám bệnh ở tuyến xã.
100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh trong trường hợp chi phí khám, chữa bệnh của 1 lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở hiện hành.
100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh đã tham gia BHYT 5 năm liên tục và tổng số tiền chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm cao hơn 6 tháng lương cơ sở.
80% chi phí khám, chữa bệnh với những đối tượng thuộc các trường hợp còn lại.
Trường hợp khám, chữa bệnh trái tuyến
Người tham gia BHYT nếu đi khám, chữa bệnh ở các bệnh viện trái tuyến so với nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu sẽ được hưởng mức:
40% chi phí điều trị trong trường hợp điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương.
60% chi phí điều trị trong trường hợp điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh (tính đến 32/12/2020).
100% chi phí khám và chữa bệnh ở bệnh viện tuyến tỉnh bắt đầu từ ngày 01/01/2021 trở đi.
100% chi phí khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện.
Hướng dẫn mua BHYT hộ gia đình trực tiếp
Để đăng ký mua bảo hiểm y tế hộ gia đình trực tiếp tại các đại lý thu BHXH hoặc cơ quan BHXH xã, phường, thị trấn nơi cư trú. Người tham gia có thể thực hiện theo trình tự mua BHYT hộ gia đình được hướng dẫn chi tiết trong Công văn 3170/BHXH-BT ngày 24/8/2015.
Các bước thực hiện gồm:
Bước 1: Kê khai thông tin vào tờ khai tham gia BHYT
Mẫu tờ khai sử dụng để kê khai thông tin BHYT là mẫu TK1-TS. Người tham gia điền đầy đủ thông tin cá nhân, kê khai toàn bộ thành viên trong hộ gia đình vào danh sách người tham gia BHYT (DK01).
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký tham gia BHYT hộ gia đình
Sau khi đã kê khai thông tin, người dân nộp tờ khai cho các cơ quan BHXH hoặc đại lý thu BHXH kèm theo các giấy tờ sau:
Bản sao sổ hộ khẩu của gia đình.
Với những thành viên đã có thẻ BHYT thì cần cung cấp bản chính hoặc bản chụp ảnh để xác định giảm trừ mức đóng.
Bước 3: Đóng tiền tham gia BHYT hộ gia đình
Mức đóng BHYT hộ gia đình sẽ được xác định dựa theo mức lương cơ sở hiện hành. Sau khi nộp hồ sơ, người dân sẽ đóng tiền BHYT theo mức này và nhận giấy hẹn trả kết quả.
Bước 4: Nhận kết quả
Căn cứ theo ngày trả kết quả trên giấy hẹn, người dân sẽ đến lấy thẻ BHYT hộ gia đình tại nơi nộp hồ sơ. Thời gian nhận kết quả không cố định, phụ thuộc vào cơ quan tiếp nhận hồ sơ và sẽ được thông báo khi đưa giấy hẹn.
Trên đây là những thông tin về bảo hiểm y tế hộ gia đình, mong rằng những nội dung trên đã giải đáp những thắc mắc của bạn nhé.